Dear my patients! Postpartum Depression (English below)

 Chuỗi bài viết chăm sóc sức khoẻ dành tặng bệnh nhân. Dear my patients!

“Cảm giác trầm cảm sau sinh là như thế nào?”



Chào các mẹ, mình là BS. Hồng Anh. Tham gia group, lắng nghe nhiều tâm sự của các mẹ và cả các bạn nữ sắp làm mẹ, mình nhận thấy trầm cảm, trầm cảm sau sinh, tình trạng burn-out là vấn đề mà nhiều chị em trong group đã và đang trải qua. Bài viết này thuộc chuỗi bài “Làm mẹ thật là vui”, và mình muốn viết về trầm cảm sau sinh. 


Mẹ thiên nhiên ban cho chị em phụ nữ chúng ta cơ chế vận hành cảm xúc phức tạp hơn đàn ông. Chính vì vậy, là một người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, mình luôn nhắc nhở các bệnh nhân nữ, các sản phụ không nên tự xem nhẹ hay lơ là sức khoẻ tinh thần của chính bản thân họ. Theo Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, mức độ stress của các mẹ đơn thân cao gấp 3 đến 4 lần so với các chị em có gia đình. Tỉ lệ trầm cảm sau sinh tại Việt Nam là 33% (và mình nghĩ con số thực tế còn cao hơn nữa).


Có bao nhiêu bà mẹ đã gạt nước mắt, tâm sự, tủi thân, cảm giác đơn độc để chạy vào đường đua với bỉm sữa, tiền đóng học, deadline công ty, tăng ca, con ốm, những đêm con khóc, một mình chăm con trong viện ...? “Em rất sợ bị ốm, bị ốm rồi thì ai lo cho con em?”. Rõ ràng, bản thân các mẹ cũng rất sợ bị bệnh, nhưng lại hay xem nhẹ các vấn đề tâm lý. Sự xem nhẹ này, cộng hưởng với sụt giảm nội tiết tố đột ngột sau sinh (một thay đổi sinh lý bình thường) kèm theo rất nhiều nguyên nhân ngoại cảnh khác,...là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng “buồn sau sinh”,  “trầm cảm sau sinh”, “loạn thần sau sinh”. 


Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất, mình cần các mẹ coi sức khoẻ tinh thần là một ưu tiên trong cuộc sống. Giống như cái cách chúng ta coi con cái, công việc, những người thân yêu xung quanh là những ưu tiên, thì sức khoẻ tinh thần của chính chúng ta cũng vậy, cũng rất rất quan trọng. 


Điều thứ hai, mình mong các mẹ biết những dấu hiệu cảnh báo của trầm cảm sau sinh. Khi những dấu hiệu này lặp đi lặp lại và kéo dài, các mẹ nên lưu ý sắp xếp thời gian đi khám bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán cụ thể. 

Một cách trực quan và dễ hiểu, dưới đây là câu trả lời của một người mẹ từng trải qua trầm cảm sau sinh trả lời cho câu hỏi

“Cảm giác trầm cảm sau sinh là như thế nào?” 

Là rất nhiều suy nghĩ tiêu cực, cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, buồn chán, lo lắng,...lặp đi lặp lại trong đầu. 

Là một thân thể rệu rã, đau mỏi chẳng vì lý do gì, bạn chán ghét cái thân hình này mỗi khi soi gương. 

Là cảm giác ăn món ăn ưa thích bỗng trở nên nhạt nhẽo hoặc quá mặn, quá ngọt. 

Là đôi mắt thâm quầng vì chăm con thiếu ngủ, đến khi được ngủ thì lại không ngủ nổi nữa.

Là khi bạn thân, chị em, bố mẹ gọi điện hỏi thăm và bảo bạn dạo này chăm con nhỏ có mệt không vì thấy bạn lơ đãng và bơ phờ hẳn. Bạn không biết là do sau sinh trí nhớ suy giảm, hay do chăm con mệt, nhưng bạn không còn tập trung nổi vào việc gì, mà cũng chẳng còn hứng thú làm việc gì nữa.   

Là lúc nhận ra, khi nhìn đứa con nhỏ bạn rất thương yêu bỗng chỉ toàn là mệt mỏi và chán ghét. Là lúc bạn tự đặt câu hỏi “Mình có thật sự muốn sinh ra đứa trẻ này không?” 

Khi bạn có những dấu hiệu này, hãy liên hệ tới chuyên gia chăm sóc sức khoẻ để nhận sự hỗ trợ y tế mà bạn cần và xứng đáng nhận được. 



Điều thứ ba, dù có hay không có những dấu hiệu nêu trên, hãy cố gắng giữ cuộc sống ở trạng thái cân bằng và thoải mái. Điều này rất khó thực hiện, nhưng mình tin các mẹ sẽ làm được. Một số lời khuyên các mẹ có thể tham khảo như: 

Hãy vận động nhẹ nhàng và phù hợp. Đi bộ, yoga đơn giản, các bài tập giãn cơ được chứng minh rất tốt cho sức khoẻ bà mẹ sau sinh đồng thời cũng tiện cho việc chăm sóc em bé. 

Hãy tranh thủ nghỉ ngơi. Các mẹ sẽ rất bận, bận vì thay tã, cho con bú, dỗ con khóc, bận ngắm con ngủ, bận nghĩ ngợi vu vơ nữa. Vì thế hãy cố gắng tối ưu hoá thời gian bằng việc căn giờ con ngủ (không dễ chút nào) và đơn giản hoá việc nhà, việc cơ quan nếu có thể. Ví dụ nấu nướng “ngắn gọn” bằng việc mua thịt, trứng, cá, rau củ tươi sạch đã sơ chế sẵn có bán tại các siêu thị, C.P.Foods, đi chợ online nếu điều kiện cho phép,...

Hãy quan tâm tới chế độ ăn. Sau sinh, thường vấn đề các mẹ quan tâm nhất trong chuyện ăn uống là ăn gì cho lợi sữa. Chế độ ăn được khuyến khích trong giai đoạn hậu sản là bổ sung năng lượng và đạm. Có nhiều mẹo dân gian như ăn móng giò, đậu nành, mè, đậu phộng, đu đủ, gạo lứt.. để lợi sữa. Điều ít ai quan tâm, đó là việc ăn uống của các mẹ có liên quan mật thiết tới tâm trạng. Các mẹ nên lắng nghe cơ thể để phối hợp lựa chọn thực đơn phù hợp. Ăn bổ nhưng phải ngon nhé các mẹ!


Đừng quá cầu toàn và tự trách mình nếu không biết một vài điều gì đó khi chăm con vì các mẹ đã làm rất tốt và hết sức rồi. Đừng quên tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân và bạn bè, hãy giao tiếp và kết nối với thế giới bên ngoài. Vì một lời động viên từ người xa lạ đôi khi cũng là đốm lửa sưởi ấm trái tim người mẹ đang rệu rã. Quay về điều thứ nhất, miễn là các mẹ không bỏ quên bản thân, luôn có nhiều người song hành cùng mẹ và em. 


Nếu được, hãy chia sẻ câu chuyện của các mẹ dưới comment, có thể sẽ là chiếc phao cứu sinh nhỏ cho một người mẹ ở một góc nhỏ nào đó đang chới với. Bác sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho các mẹ! 


Nhận xét